Ký Sự Trà Shan Tuyết Cổ Thụ Hà Giang

KÝ SỰ TRÀ SHAN TUYẾT CỔ THỤ HÀ GIANG

      Vượt qua những ngọn đồi, những rừng cây trùng trùng điệp điệp, men theo những con đường dốc cheo leo, quanh co giữa những biển đá tai mèo xám ngắt, sắc lẽm. Chúng tôi – những con người yêu quý cây trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang, lần đầu tiền tìm về nơi cội nguồn của giống trà được thượng đế sinh ra và lớn lên theo năm tháng, ngày nay đã 100 năm tuổi. Không ngại đường đi hiểm trở, lạnh buốt sương mù, chúng tôi quyết tâm tìm đến Hoàng Su Phì – một huyện thuộc tỉnh Hà Giang để tìm hiểu và khám phá cây chè (trà) nơi đây và đem về những tư liệu quý giá cho người yêu chè cổ thụ được chiêm nghiệm. Hãy theo chân chúng tôi để khám phá những bí mật về cây chè giống trời ban cho này nhé!

1. Trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang

      Huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi từ vùng khí hậu đặc thù, những ngọn núi cao ở Hoàng Su Phì quanh năm mây phủ, khí hậu mát mẻ. Ở các thôn bản những gốc trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang mọc rải rác xen giữa là thung lũng và những ruộng bậc thang tạo nên vẻ đẹp mê hồn cho những ai đam mê du lịch khám phá.

Hoàng Su Phì - Hà Giang
Hoàng Su Phì – Hà Giang

      5 giờ 50 phút sáng tinh sương, khi mây mù, sương mờ bảo phủ còn chưa tan đoàn chúng tôi đã có mặt tại đây. Sau khi được nghỉ ngơi, ăn sáng uống thứ trà shan thơm lừng, sánh màu mật ong, đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đường đến đỉnh núi Chiêu Lầu Thi vào lúc 8:20 AM.

      Trên những con xe máy địa hình chuyên dùng để leo núi cao, chúng tôi được tài xế là những người dân nơi đây trong đó có cả phụ nữ đèo chúng tôi leo lên đỉnh núi. Họ là những người có kinh nghiệm và tay lái rất cứng trong việc đi lên những đường đèo, vách núi cheo leo như những “racing boy”, mà ở Việt Nam hay dùng để nói về những tay đua có tay lái lụa chuyên nghiệp.

Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi - Hà Giang
Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi – Hà Giang

      8:40 AM theo chân người dân, chúng tôi được đến tham quan một đồi chè cổ thụ ở Tân Minh, xã Hồ Thầu. Tại đây tập trung nhiều cây chè shan tuyết cổ thụ Hà Giang nằm rải rác với nhiều tuổi đời khác nhau, có cây có đã tồn tại nơi đây hàng trăm năm tuổi. Tại thời điểm này cây trà đang vào xuân nên có rất nhiều búp non xanh mơn mởn mọc ra, búp to và phủ nhiều lông mao như tuyết trắng. Theo chủ tịch xã Hồ Thầu – anh Phương Thế Nu cho biết: “Những cây chè shan tuyết cổ thụ ở đây toàn có tuổi đời trên hàng trăm năm tuổi, không hề được phun thuốc trừ sâu trừ cỏ và đặc biệt những gốc chè cổ thụ không hề được bón bất cứ một loại phân bón nào, không có dấu hiệu đào bới, không kích thích phân bón gì cả cứ phát là để mọc tự nhiên. Chính vì thế chè tuyết Hà Giang uống là đảm bảo an toàn, rất tốt cho sức khỏe”.

Đồi trà shan tuyết cổ thụ ở Tân Minh, xã Hồ Thầu, Hà Giang
Đồi trà shan tuyết cổ thụ ở Tân Minh, xã Hồ Thầu, Hà Giang

       Trà shan tuyết Hà Giang một năm chỉ được hái bốn vụ xuân, hạ, thu, đông vì chè ở đây không được bón phân kích thích mọc mầm nên việc thu hái khá ít hơn so với các loại chè ở vùng khác. Khi được hỏi về sản lượng chè thu hoạch trong một năm, anh Nu nói tiếp: “Năm vừa rồi thu được 70 tấn búp chè tươi trên toàn xã chưa nói đến thành phẩm, cứ bốn cân chè tươi sẽ cho ra một cân chè khô thành phẩm, tức chưa đến 20 tấn chè khô thành phẩm được đưa ra thị trường. Chè shan tuyết cổ thụ ở đây chủ yếu được làm chè sấy, chè khô, chè vàng… cho xuất khẩu chủ yếu là sang Trung Quốc. Còn làm chè xanh, chè uống chất lượng cao thì ở đây có làm nhiều nhưng chưa được thành công cao”.

Búp trà shan tuyết cổ thu Hà Giang sau khi hái
Búp trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang sau khi hái

      Được sự cho phép của chủ tịch xã, chúng tôi có thể được tự hái những búp trà ở đây, tự sào và tự uống để trãi nghiệm nghề làm trà cổ thụ Hà Giang của những người bản địa. Với những cây trà shan tuyết nhỏ chúng tôi có thể dễ dàng đứng phía dưới để hái nhưng đối với những cây cao đến vài mét, um tùm, gốc cây to đến một, hai người ôm thì bắt buộc phải dùng thang leo lên ngọn cây mới có thể hái được những búp trà non.

Chè cổ thụ Hà Giang sau khi hái về phải được phơi héo trong vòng 2 giờ
Chè cổ thụ Hà Giang sau khi hái về phải được phơi héo trong vòng 2 giờ

      Chè Hà Giang trước khi được chế biến phải được phơi héo trong khoảng hơn hai giờ. Phương pháp sao chè (trà) ở đây vẫn là phương pháp thủ công hoàn toàn, nhưng khác biệt với dưới xuôi người ta dùng lửa, củi, gas, điện thì ở đây bà con chỉ dùng lá, thân và lõi ngô phơi khô để đun lửa sao trà. Sau một hồi lâu được sự chỉ dẫn của chủ nhà, chúng tôi cũng cho ra được thành phẩm trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang, quả thật không hề đơn giản tí nào. Từng công đoạn làm trà đều phải thật hết sức cẩn thận, bên bếp lò đôi mắt sắc khẽ cụp xuống chăm chú nhìn ngọn lửa để thêm bớt lò khi cần thiết, những đôi tay thoăn thoắt điêu luyện vừa đảo, vò những cánh trà, theo kinh nghiệm lâu năm khi ngửi đến trà đạt một hương thơm nhất định, họ dùng tay nhúm nhẹ một nhúm trà trong chảo gang thả xuống lòng bàn tay trái, tãi đều, nâng lên nhìn, ngửi, khẽ nhấn một cánh trà xoăn tít, trắng như tuyết và gật gù, ấy là trà đã đạt tiêu chuẩn và cho ra lò.

Công đoạn lên hương trà được xem là quan trọng nhất để quyết định hương thơm và vị của trà shan tuyết Hà Giang
Công đoạn lên hương trà được xem là quan trọng nhất để quyết định hương thơm và vị của trà shan tuyết Hà Giang

      Được pha một ấm trà do bàn tay của những người được mệnh danh là linh hồn của những mẻ trà pha so với của chính mình thì hương vị hoàn toàn khác hẳn. Bên ấm trà cổ thụ Hà Giang chúng tôi cảm nhận được hương trà thanh nhẹ tỏa khắp căn nhà nhỏ, hương của sương mù quyện trong lá trà, màu nước trà xanh tươi có chút vàng nhẹ của nắng, vị chát, hậu ngọt. Đặc biệt nước trà kích thích tuyến nước bọt rất tốt làm cho buổi trò chuyện kéo dài mà chúng tôi không hề thấy khô cổ.

VIDEO KHÁM PHÁ CHÈ SHAN TUYẾT HÀ GIANG

2. Chè tiên Hà Giang

      Buổi trò chuyện kết thúc, cảm ơn chủ nhà và chúng tôi ra về, trên đường rời đỉnh Chiêu Lầu Thi xuống núi trong đầu chúng tôi vẫn không quên được cái hương vị thơm ngon của những chén trà shan tuyết cổ thu Hà Giang khi nảy. Đang mê mẩn thì tiếng gọi của anh Nu cho dừng xe lại làm tôi chợt tỉnh ra. Hóa ra anh cho đoàn dừng lại để được tham quan những cây chè tiên.

      Chè tiên là chè của tiên uống, hay chè uống sẽ thành tiên, hay chè do tiên trồng??? Đó là những câu hỏi vui mà đoàn chúng tôi khi nói về loại chè này. Theo lời giải thích của các bạn hướng dẫn viên thì loại chè này mọc tự nhiên trên núi cao nên được gọi là chè tiên.

      Thực ra, chè tiên là loại trà mọc tự nhiên trong rừng trên những vùng núi rất cao, cũng giống như chè shan tuyết Hà Giang, chè tiên hoàn toàn là trà sạch hữu cơ không qua tác động chăm bón của con người. Chè tiên có búp to mập, màu hơi đỏ, trên búp phủ nhiều lông mao trắng, chè sau khi pha có màu trắng đều rất đẹp như màu trắng của lạc rang nuối, chè tiên có dược tính rất cao và uống nhiều sẽ không gây mất ngủ.

Búp chè phủ nhiều lông mao trắng như tuyết
Búp chè phủ nhiều lông mao trắng như tuyết

      Chè tiên được hầu hết các bà con ở đây hái về chế biến và đem xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo các chuyên gia bên Trung Quốc cho biết trong búp chè tiên có chứa rất nhiều dược tố nên dươc tính rất cao, cao hơn so với các loại chè shan tuyết Hà Giang thông thường khác. Hầu hết các cây chè tiên ở đây đều đã trên 100 năm tuổi, sống trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiêt, đất đá khô cằn, gió quanh năm nên cây cho ra sản lượng rất ít.

Sống trong điều kiện khác nghiệt nên sản lượng trà tiên rất khan hiếm
Sống trong điều kiện khác nghiệt nên sản lượng trà tiên rất khan hiếm

      Chè tiên có vị lợ lợ rất khác lạ so với những loại chè cổ thụ khác, nếu ai không biết sẽ không cảm nhận được vị ngon của trà. Trà sau khi pha có màu nước vàng trong, hương thơm thanh dịu và có vị hậu ngọt sâu như mật ong rừng. Chè tiên rất tốt cho sức khỏe, về tác dụng với con người có thể kể đến như làm hưng phấn thần kinh, tốt cho tim mạch nhờ tăng cường lưu lượng tuần hoàn não, giảm mỡ máu, loại trừ gốc tự do có hại giúp ngăn ngừa được một số bệnh ung thư.

Trà sau khi pha có màu nước vàng trong, hương thơm thanh dịu và có vị hậu ngọt sâu như mật ong rừng
Trà sau khi pha có màu nước vàng trong, hương thơm thanh dịu và có vị hậu ngọt sâu như mật ong rừng

      Anh Nu chia sẻ: “hầu hết bà con nơi đây không thực sự hiểu hết giá trị của cây chè, vì trà mọc tự nhiên, không thuộc quyền sở hữu của bất cứ ai nên bà con cứ thế mà hái tự do, có rất nhiều người làm tổn hại đến cây chè, thậm chi còn đốn và chặt đau cây chè. Nên ủy ban xã đã có những biện pháp để bảo vệ cây chè bằng cách cho dân quân đi tuần không cho dân hái tự do nữa mà phải theo thời điểm nhất định, để đảm bảo cây chè vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở những búp chè khác, nếu làm sai sẽ bị xử lý hành chính”.

Quá trình hái chè tiên phải được giám sát nghiêm ngặt
Quá trình hái chè tiên phải được giám sát nghiêm ngặt

      Theo những gì chúng tôi được biết, chè tiên là một giống chè rất là quý và đắt tiền mà rất ít ai biết được. Chỉ những người thực sự am hiểu, chuyên nghiên cứu về trà thì mới biết được giá trị thực sự mà cây chè tiên đem lại. Chè tiên trên thị trường rất đắc đỏ, chè hầu như chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Có thời điểm để sở hữu 1 kg chè tiên, người “chơi” phải trả hàng chục ngàn đô la Mỹ và phải có duyên mới được thưởng thức tuyệt phẩm này.

      Chuyến đi nào rồi cũng phải kết thúc, câu chuyện nào cũng cần một cái kết để còn mở ra những câu chuyện khác. Chúng tôi chia tay anh Nu và những người bạn hướng dẫn viên để trở về nghỉ ngơi sau một câu chuyện dài về cây chè tiên mà lòng đầy lưu luyến. Hương vị của trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang nghèn nghẹn, ngọt bùi nơi cổ họng và vẫn còn đâu đây, hương vị chè chan chát như đang cùng được bà con người Mông đi hái chè.

      Tôi trở về mà lòng còn đầy trắc trở, giá như người dân mình có thể thực sự hiểu hơn về giá trị của cây chè tiên nói riêng và hầu hết các cây chè cổ thụ nói chúng, để có thể bảo tồn những sản vật quý báu mà thiên nhiên ban tặng. Hương trà cổ thụ Hà Giang, hình ảnh chè tiên và còn rất nhiều câu chuyện ở Hà Giang cứ vương vấn mãi với những suy nghĩ, sẽ có ngày chúng tôi trở lại, sẽ đem toàn bộ tâm huyết của mình để chia sẻ cho tất cả mọi người biết về giá trị đích thực của cây chè shan tuyết cổ thụ và ước muốn mãi luôn được ngắm nhìn những cây chè shan tuyết ngày càng sinh sôi phát triển trên quê hương Việt Nam.

Xem thêm:

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *